Kinh động lư hương - Điều tối kỵ trong thờ cúng tâm linh
Người Việt Nam xưa vẫn coi “bát hương” là linh thiêng nhất trên bàn thờ mỗi gia đình, hoặc “lư hương” là biểu hiện của cõi tâm linh trên bàn thờ Thần Phật.
Qua “bát hương, lư hương” con cháu hướng lòng tưởng nhớ đến ông bà, tổ tiên, các vị thần linh. Bởi vậy, việc kinh động tới lư hương là điều khá tối kỵ.
Trải qua biết bao thế hệ, truyền từ đời này sang đời khác, người ta coi việc thờ cúng, tưởng nhớ tiền nhân là điều thiêng liêng, không thể tùy tiện, càng không được xem thường, phỉ báng. Trên bàn thờ gia tiên, thứ không thể thiếu là bát hương, người miền Nam gọi là bát nhang, nhưng sự kính trọng với đồ thờ cúng này thì dù Bắc dù Nam đâu cũng như nhau.
Mỗi khi gia chủ thắp một nén hương thơm rồi cung kính cắm lên bát hương, cũng là lúc sợi dây vô hình giữa cõi tâm linh và cõi dương được thiết lập. Thần linh, gia tiên tiền tổ sẽ về ngự trị trên mỗi bát hương. Vì thế nếu bát hương uế tạp hoặc có những sự không hợp lẽ, sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến gia chủ.
Lư hương cũng là đồ tế khí, dùng để thờ cúng, còn có tên là bộ tam sự, gồm 3 món: chiếc lư và cặp chân đèn (2 chiếc). Tam sự thường được đúc bằng đồng, lư để đốt trầm hương, đặt chính giữa; chân đèn để thắp nến, đặt hai bên. Thường bàn thờ luôn có cả tam sự lẫn bát hương.
Đồ để thắp hương, cắm hương trên bàn thờ hằng ngày, hoặc khi kỵ nhật (ngày cúng giỗ tổ tiên, ông bà, cha mẹ), hoặc ngày lễ tết thường là bát hương. Chỉ ở những nơi đình chùa miếu mạo, chỗ đặt tượng đài, nơi thờ cúng công cộng thì đồ để cắm nhang gọi là lư hương. Có những lư hương rất to, nặng, phải mấy người, thậm chí chục người khiêng mới nổi.
Những nhà nghiên cứu văn hóa, nghiên cứu tôn giáo, nhà phong thủy thường khuyên, nhắc nhở mọi người phải hết sức cẩn thận đối với đồ tế khí, nhất là không được để chúng uế tạp, dịch chuyển tùy tiện, đặt không đúng chỗ, lại càng không được tự ý thay đổi bát hương, nay cái này mai cái khác, nay có mai không.
Những lưu ý khi dịch chuyển lư hương
Đối với lư hương, bát hương, điều kỵ nhất là dịch chuyển. Bát hương, lư hương phải yên ổn, vững vàng. Nếu muốn lau chùi, làm sạch bát hương, cần chọn giờ giấc thích hợp, ngày tháng tốt lành, cúng lễ cẩn thận rồi mới được dịch chuyển.
Mỗi lần thay bát hương cũ bằng một bát hương mới, người Việt gọi là “bốc lại bát nhang” người ta chỉ thực hiện khi về nhà mới, hoặc khi nhà gặp nhiều điều không may mắn, vận hạn, muốn được thay đổi.
Khi “bốc lại” bát hương, người ta đổ hết tro cũ trong bát ra, rồi rửa sạch bát hương trước khi bốc lại, bằng cách bốc lần lượt từng nắm tro cũ, đặt lại vào bên trong. Điều tối kỵ là cầm cả bát hương đổ hết dốc tro, cốt đi, thay bằng tro mới. Phải giữ cho bát hương không bị “uế tạp”. Sau khi bốc lại xong, phải thắp hương, đọc kinh để “an vị” bát hương.
Việc di chuyển một lư hương dù phải dùng xe cần cẩu, cũng phải nghiêm trang, kính cẩn. Người Việt tin rằng người “bốc bát hương” mà lòng không hướng về điều thiện, thì bát hương không “linh!”
Người xưa cho rằng, sự thay đổi vị trí bát hương, lư hương một cách tùy tiện thường gây ra những xáo trộn, suy sụp gia đạo, đời sống, làm ăn, sinh hoạt… Cứ như các cụ từng dạy: “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, đừng phá bỏ những “nguyên tắc” của tổ tiên, nhất là những điều chưa thể dùng thực tiễn và khoa học để chứng minh sự đúng sai.
(Sưu tầm)
Nhận xét
Đăng nhận xét